Thuyết Hành Vi (Phần 2)

Thuyết Hành Vi (Phần 2)

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của cô Bình Minh, trong nhóm Teacher-Share. Xem phần trước tại đây Thuyết hành vi – Phần 1

Nhắc tới thuyết hành vi thường mọi người thường chỉ nhớ ngay đến Pavlov với hình ảnh chú chó chảy nước miếng do ông huấn luyện mà bỏ qua việc lý thuyết này về sau được các học giả Mỹ như Thorndike hay Skinner phát triển trở thành học thuyết cốt lõi trong giáo dục.

Ở bài chia sẻ trước, mình đã tổng quát hóa những nội dung chính về Thuyết Hành Vi. Các thầy cô có thể xem lại ở link này:

Trong các bài tới, mình sẽ đi sâu hơn vào từng mảng chính của lý thuyết này, bao gồm Classical conditioning, Operant conditioning và Reinforcement and Punishment để xem điểm tốt cũng như điểm hạn chế của chúng là gì và giáo viên có thể áp dụng những nội dung này ra sao.

Classical conditioning (tạm dịch là Phản xạ có điều kiện cổ điển)

Phản xạ có điều kiện cổ điển được Pavlov – nhà sinh học người Nga – phát triển vào những năm 1890 với thí nghiệm như sau:

Bước 1: Ông cho chú chó của mình đồ ăn đồ ăn được gọi là Kích thích không kiểm soát (uncontrolled stimulus) và chú chó chảy nước miếng (đây là phản xạ tự nhiên, được Pavlov gọi là phản xạ không kiểm soát).

Bước 2: Ông bổ xung thêm một kích thích khác (kích thích trung lập – neutral stimulus) mà trước đây không hề tác động gì lên chú chó, đó là tiếng chuông. Vậy là cứ khi nào chó ăn thức ăn thì tiếng chuông cũng kêu. Sau nhiều lần như vậy, thông tin từ các cơ quan cảm giác mắt, mũi, tai … giúp chú chó biết rằng À đồ ăn với tiếng chuông liên kết với nhau.

Bước 3: Pavlov vẫn rung chuông (kích thích có kiểm soát – conditioned stimulus) nhưng không mang đồ ăn tới nữa, và chú chó vẫn tiếp tục chảy nước miếng vì phản xạ ấy đã được chú chó lưu lại (lúc này việc chảy nước miếng chuyển từ phản xạ không điều kiện thành phản xạ có kiểm soát – conditioned response.

Qua đây, Pavlov thấy rằng chúng ta có thể hình thành một phản xạ mong muốn thông qua việc kết hợp với kích thích có kiểm soát. Tuy nhiên phản xạ này sẽ không tồn tại mãi. Nếu ông liên tục rung chuông mà không mang thức ăn tới thì chú chó cũng không chảy nước miếng nữa vì liên hệ giữa hai đối tượng này đã bị ngắt.

Watson thực hiện thí nghiệm tương tự trên người. Ông muốn 1 em bé sợ chú chuột nên mỗi khi cho chú chuột xuất hiện, ông kèm theo một âm thanh rất khó chịu khiến cô bé kết nối hình ảnh con chuột với âm thanh khó chịu và trở nên sợ nó.

Công thức chung để hình thành phản xạ có kiểm soát:

Kết luận (trong giáo dục) → Việc học tập xảy ra thông qua liên kết hợp tác giữa kích thích trung lập với kích thích không kiểm soát (tiếng chuông với thức ăn; chuột với âm thanh khó chịu).

Hạn chế: Classical conditioning được cho là có những hạn chế sau:

  • Thí nghiệm cũng mới chỉ dừng lại ở những phản xạ mang tính tự động (như sợ sệt, chảy nước miếng, toát mồ hôi …) – những phản xạ mà con người thường không kiểm soát được. Không xem xét, giải thích được những hành vi phức tạp của con người như tư duy, lập luận logic, hay quá trình ghi nhớ của não bộ cũng như quá trình hình thành kiến thức.
  • Pavlov và Watson cho rằng môi trường (các kích thích) là yếu tố duy nhất quyết định đến hành vi, từ đó đề cao động lực bên ngoài, qua đó thiếu đánh giá đúng mức với động lực tự thân và rằng con người không kiểm soát được phản ứng với kích thích từ bên ngoài.

Áp dụng: Các bước trong Classical conditioning được áp dụng rất phổ biến trong giáo dục, chủ yếu để hình thành hoặc thay đổi hành vi của người học. Cụ thể:

  • Khi học sinh mất trật tự trong giờ, giáo viên có thể lần lượt xác định các yếu tố trong classical conditioning rồi gắn kích thích trung lập với một kích thích không kiểm soát. Ví dụ như các âm thanh lạ hoặc to thường thu hút sự chú ý của học sinh → Kích thích không kiểm soát. Một câu lệnh của giáo viên là kích thích trung lập. Chúng ta cùng thử nhé: Khi học sinh nói chuyện, giáo viên vỗ tay hoặc nói 123 / hello hello để thu hút sự chú ý của học sinh khỏi cuộc nói chuyện. Sau đó giáo viên ra đưa ra câu lệnh (kích thích trung lập) như mời cả lớp cùng tập trung vào nội dung A, bài tập B, nhiệm vụ C (phần này thì tùy vào từng mục đích của giáo viên)…

Tình huống thảo luận: Tương tự cách làm trên, mời các thầy cô cùng thảo luận cách giải quyết với các tình huống sau ạ:

  • Tính huống 1: Học sinh A trên lớp tiếp thu bài tốt nhưng khi vào phòng thi lại áp lực , lo lắng nên thường xuyên đạt kết quả không tốt.
  • Tình huống 2: Học sinh B cảm thấy sợ môn tiếng Anh vì thường xuyên phải lên bảng trả bài từ mới và làm bài tập ngữ pháp. Có lần bạn B làm sai và bị cô phê bình trước lớp.
  • Tính huống 3: Em bé ở nhà chơi vui nhưng nhắc đến đi học là em sợ vì một lần em bị bạn bắt nạt nhưng cô giáo không xử lý.

Ngoài những ví dụ nếu trên thì xin mời các thầy cô nêu những ví dụ khác để chúng ta cùng thảo luận ạ.

Nguồn tham khảo:

Lightbown, P. M., Spada, N., Ranta, L., & Rand, J. (2006). How languages are learned (3rd ed.). Oxford university press.

Ormrod, J. E., Anderman, E. M., & Anderman, L. H. (2022). Educational psychology: Developing learners, loose-leaf version (7th ed.). Pearson.

Schunk, D. H. (2012). Learning theories: An educational perspective (6th ed.). Pearson.

Trung, G. T. (2023). Sư phạm khai phóng. Tri Thức

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

+ 44 = 47