CÓ NHỮNG ĐIỀU QUAN TRỌNG MÀ BA MẸ KHÔNG NÊN BỎ LỠ, Những điều quan trọng cho hạnh phúc gia đình

CÓ NHỮNG ĐIỀU QUAN TRỌNG MÀ BA MẸ KHÔNG NÊN BỎ LỠ

Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài viết của tác giả Anh Nguyen về việc giáo dục trẻ em như thế nào.

“Ngày mai con diễn văn nghệ… ba mẹ có tới xem con không?”

“Con kể hôm nay ở lớp có bạn mới ngồi cạnh, tên là Nam, bạn ấy viết chữ rất đẹp.”

“Cô giáo con cho 6 điểm môn Toán… con thấy hơi buồn.”

Những câu nói tưởng như đơn giản đó, thực ra là những cánh cửa con đang mở ra, mong ba mẹ bước vào thế giới nội tâm non nớt nhưng đầy cảm xúc của trẻ. Và khi ta bước vào kịp lúc, ta đang cho con một điều quý giá nhất: Cảm giác được yêu thương, được lắng nghe, và được ưu tiên.

“Con có ba mẹ ở đó” – ĐIỀU NHỎ NHOI NHƯNG CÓ THỂ THAY ĐỔI CẢ THẾ GIỚI TRONG CON

TS. Eric từng nói:

“Việc thấy ba mẹ có mặt trong khoảnh khắc quan trọng là tất cả với một đứa trẻ. Đó là cách bạn nói với con rằng: con rất quan trọng đối với ba mẹ.”

Những buổi biểu diễn ở trường, trận bóng đá cuối tuần, hay thậm chí chỉ là buổi họp phụ huynh – với con, đó không chỉ là một sự kiện, mà là một phép thử về sự gắn bó và tin tưởng. Trẻ em hình thành sự an toàn nội tâm dựa trên cảm giác rằng: “Khi mình cần, ba mẹ sẽ ở đó.” Đó chính là nền móng cho sự tự tin, khả năng kết nối và ứng phó cảm xúc trong suốt cuộc đời.

KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG CÓ MẶT, NHƯNG LUÔN HIỆN DIỆN ĐÚNG CÁCH

Chúng ta hiểu rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng cho phép ba mẹ có mặt trong mọi khoảnh khắc. Nhưng sự hiện diện không chỉ là về mặt thể chất.

• Nếu bạn không thể đến dự buổi diễn, hãy nhờ cô giáo quay lại video và cùng con xem lại, hỏi con cảm xúc của con lúc biểu diễn.

• Nếu con bị điểm kém, đừng chỉ hỏi “vì sao con sai?” – hãy nói “Ba/mẹ biết con đã cố gắng, con thấy phần nào là khó nhất?” để mở lời động viên thay vì phán xét.

• Nếu con kể về bạn bè ở lớp, hãy dừng điện thoại và hỏi thêm “Nam là bạn như thế nào?”, “Con thích chơi với bạn nào nhất?” – vì mỗi câu trả lời đều đang giúp bạn hiểu sâu hơn về thế giới của con.

CHẤT LƯỢNG HƠN SỐ LƯỢNG – YÊU THƯƠNG THEO CÁCH CON CẢM NHẬN ĐƯỢC

TS. Regine chia sẻ rằng điều quan trọng nhất không phải là ba mẹ xuất hiện bao nhiêu lần, mà là cách bạn kết nối với con trong những khoảnh khắc đó.

Khi trẻ cảm thấy ba mẹ lắng nghe, hiện diện trọn vẹn và không phán xét, con sẽ học cách yêu thương chính mình, chấp nhận cảm xúc, và trở nên mạnh mẽ khi lớn lên.

LÀM CHA MẸ KHÔNG CẦN HOÀN HẢO – NHƯNG CẦN CHÂN THÀNH VÀ KIÊN NHẪN

• Nếu bạn đã từng bỏ lỡ một dịp nào đó – đừng tự trách mình. Hãy thành thật với con, xin lỗi nếu cần, và tìm cách bù đắp bằng những thời khắc chất lượng khác.

• “Ba/mẹ tiếc vì không đến xem con hôm nay, nhưng ba/mẹ muốn cùng con xem lại video tối nay, rồi mình đi ăn kem nhé.”

• Trẻ không cần một người cha, người mẹ hoàn hảo. Con cần một người sẵn sàng xuất hiện, yêu thương con theo cách con cảm nhận được, và không ngừng cố gắng vì con.

NẾU BẠN ĐANG SỐNG HOẶC LÀM VIỆC XA CON…

Bạn không đơn độc. Rất nhiều cha mẹ vì công việc, vì cuộc sống, buộc phải ở xa con trong một khoảng thời gian. Nhưng khoảng cách địa lý không có nghĩa là phải xa cách trong kết nối.

• Hãy gọi video vào một khung giờ cố định trong ngày và trong tuần– để con biết “ba/mẹ luôn ở đó”.

• Gửi thư tay sau 1 sự kiện quan trọng, gửi video, ghi âm giọng nói kể chuyện về hoạt động của bạn – những điều nhỏ đó có thể chạm tới trái tim con sâu sắc hơn cả món quà đắt tiền.

• Gửi lời nhắn cổ vũ trước ngày thi, ngày biểu diễn, hay bất kỳ dịp quan trọng nào – con sẽ thấy ba mẹ dù không ở bên, vẫn luôn nghĩ đến mình.

Những nghiên cứu cho thấy: sự gắn kết cảm xúc và cảm giác được quan tâm có thể bảo vệ trẻ khỏi những tổn thương tâm lý, ngay cả khi không sống cùng cha mẹ mỗi ngày.

Cuộc sống hiện đại cuốn chúng ta vào biết bao bận rộn. Nhưng đừng để những điều quan trọng nhất bị lỡ mất. Những khoảnh khắc nhỏ hôm nay – một cái ôm khi con buồn, một ánh mắt rạng rỡ khi thấy ba mẹ trong đám đông – có thể là ký ức suốt đời trong tim con.

Vì trong lòng con, ba mẹ có mặt – nghĩa là cả thế giới ở đó.

Note

Li D et al. The effect of the time parents spend with children on children’s well-being. Front Psychol. 2023;14:1096128

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

2 + 8 =
Powered by MathCaptcha