Tại sao một người thiếu tự tin?

Tại sao một người thiếu tự tin?

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết Tại sao một người thiếu tự tin? của tác giả Vũ Phính, trích từ cuốn sách Cửu Âm Chân Kinh Về Phương Pháp Học Tập vô cùng hay của tác giả. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Năm 2004, mình liên hệ với tiến sĩ Stéphane Bordas. Sau khi ổng đồng ý hướng dẫn mình thì bắt tay làm việc. Ông hướng dẫn mình từ xa qua email. Nghe sao giống covid vậy ta. Sau một thời gian làm việc với ổng mình thấy rất … sướng. Chỉ một việc nhỏ mình làm được là ổng email cho mình: ”You’re an ace, you’ve made my day”. Tạm dịch là: “P, mày là một con xì dách, mày đã làm cho tau có một ngày tuyệt vời”. Ông nói khéo hay ổng thật lòng mình không thể nào biết, nhưng mình không cần biết! Vì mình thích như vậy. Chưa ai nói với mình như vậy cả! Chưa bao giờ. Và nó khiến mình làm việc hăng say hơn. Ông ta có lợi, mình có lợi, cái mà người Anh có cụm từ win-win situation. Còn gì bằng.

Người Việt Nam, vì lí do gì không biết, mà rất kẹo lời khen, và rất hào phóng với lời chê!!! Hầu như mình không được ai khen vì thi đậu đại học. Vậy mà, nhiều người cứ đem câu đố đến thách. Thời gian chưa được 1 tiếng đồng hồ, thấy làm không được là ”Chao ơi, bài dễ vậy mà làm không ra”. Những người như vậy sau này có hỏi mình 2 + 2, mình cũng không dám nói là 4! Một vấn đề gì dễ hay khó có tính tương đối. Không biết những người như vậy sẽ nghĩ gì khi Newton1 hiện hồn về nói với họ: tích phân và đạo hàm dễ vậy sao học hoài không được vậy???

Tại sao một người thiếu tự tin?

Lúc mình làm tiến sỹ ở Hà Lan (ban đầu mình đi sang Pháp làm tiến sỹ nhưng mà, chuyện đời tôi, không suôn sẻ, bỏ và sang Hà Lan), mỗi tháng là họp với giáo sư một lần. Mà một hai năm đầu có kết quả gì đâu. Mình lo lắm! Vào họp, ông giáo biết mình chẳng có mẹ gì nên ông nói: ”thời gian dạo này sao trôi qua nhanh vậy P”. Rồi ông vòng vo tam quốc một hồi cho mình đỡ áp lực. Chưa bao giờ, chưa bao giờ ông nói: “P, sao mà ngu vậy em”?

Một điều nữa mình thấy khác biệt giữa Ta và Tây là vậy. Một hôm Stéphane Bordas tổ chức đi dã ngoại cho nhóm nghiên cứu của ổng ở một công viên rất đẹp. Và ông dẫn gia đình theo, trong đó có 2 hay 3 con của ổng tầm 6, 7 tuổi. Lúc tiệc tàn mọi người ra về, nhưng một đứa con của ông đang leo trên cây và nhất định không chịu xuống. Mình ngồi và hích thú quan sát, xem ổng sẽ làm gì. Ngạc nhiên (cho mình), ông ta không nổi nóng, mà ngồi chờ cho thằng bé leo xuống. Cũng phải dăm ba phút nó mới chịu xuống. Và không chỉ Stéphane làm vậy. Sao này khi có con, dắt con đi chơi công viên mình hay gặp tình huống tương tự. Răng không hét lên: “xuống không? Đánh cho tét mông giờ” như cha mẹ VN ta? Vấn đề được giải quyết một cách nhanh chóng!

Cha mẹ VN thì suy nghĩ khác. Họ chặn đứng ngay từ đầu mọi rắc rối: ”không được làm cái này, không được làm cái nọ”. Đúng, các bậc cha mẹ VN rất thông minh: hành động của họ cứu họ rất nhiều thời gian, khỏi phải xử lý những rắc rối do con họ tạo ra. Trớ trêu thay, khéo quá hoá vụng (sao ông cha ta giỏi thế), họ triệt tiêu luôn sự sáng tạo của trẻ nhỏ!

Mình là người tay chân cực vụng về. Trong đời mình hiếm khi sửa được cái thứ gì trong nhà lúc chúng bị hư cả. Dĩ nhiên là di truyền nhưng mà thành thật thì ba mình cũng chịu một phần trách nhiệm trong chuyện này. Thay vì cho mình cơ hội cải thiện, ông nói: “để ba làm cho”. Mình hiểu vì sao ông làm vậy. Một là ông thiếu kiên nhẫn, hai là ông đi làm rất vất vả rồi, giờ còn phải dọn dẹp cái mớ hỗn đốn do mình tạo ra nữa thì quá sức. Cũng có thể ba mẹ mình nghĩ rằng học là tất cả, cần chi mấy thứ tay chân kia. Mình không phải đang phàn nàn gì cả; ở hoàn cảnh đó có lẽ mình cũng làm tương tự. Phần còn lại là do mình. Mình đam mê truyện kiếm hiệp mà trong cái thế giới–tuyệt đẹp nhưng ảo tưởng–đó, các nhân vật chỉ làm chuyện kinh thiên động địa, có thấy Sở Lưu Hương đi quét nhà, hay đi sửa cái bàn bị gãy đâu. Mình thích cái thế giới lắm. Và như thế, mình trở nên một công tử bột đúng nghĩa!

Ấy vậy mà, lúc xuống chơi nhà Phùng, mình sửa được cái quạt máy! Không có chi to tát với các bạn nhưng với mình là cả một thành công to lớn. Sao mình làm được? Nhà Phùng chỉ có ba chị em gái nên việc này họ trông chờ vào đấng mày râu là mình. Họ không chỉ trích mình, và hơn nữa có ba cô nương cùng nhìn vào mình thì dù bắt mình lên núi Ngự Bình hái Tuyết Liên ngàn năm về cho các cô làm đẹp mình cũng làm, xá chi là sửa cái quạt máy. Giờ mình hiểu sao mình thích về nhà Phùng chơi; ở đó mình cảm giác mình có giá trị. Nhưng rõ ràng mình không hứng thú với mấy việc đụng tay chân này. Nếu ba cô nương PPP này không yêu cầu thì mình cũng kệ cha cái quạt.

Vì là một người vụng về tay chân và cả miệng lưỡi nên mình lo lắm khi lúc lập gia đình phải ở nhà vợ (dù chỉ là ở tạm trước khi đi nước ngoài). Mình sợ rơi vào cái cảnh mình phải chứng tỏ ta là đàn ông đích thực nhé. Rồi cái gì đến thì sẽ đến, một hôm bóng đèn điện nhà vợ bị hư. Thấy mẹ vợ bắt ghế sửa thì mình không thể ngồi yên, mình nói ‘mẹ để cho con’. Nói mà lo lắm, rồi thì mình sửa cái bóng đèn. Kết quả sao, các bạn đoán được không? Cái bóng đèn từ chổ còn thoi thóp thì giờ chết ngắt luôn! Sau đó, mẹ vợ không bao giờ cho mình đụng vào cái gì trong nhà nữa.

Cái gì phát triển từ nhỏ thì rất khó mà sửa đổi. Tới giờ trong sâu thẳm mình vẫn là một người thiếu tự tin. Và vì vậy mình không dám làm cái chi quá mới mẻ trong nghiên cứu! Đơn giản mình ngay từ lúc chưa bắt đầu đã có suy nghĩ là làm không được! Bây giờ mình làm việc với Alban, và mình thấy một sự khác biệt rõ rệt trong cách tiếp cận vấn đề. Khi gặp một vấn đề (mà chưa biết cách giải quyết) Alban tự tìm lời giải. Còn mình thì trước hết google xem có lời giải chưa. Mình nghĩ các bạn nên như Alban, sẽ làm được chuyện lớn.

Suy nghĩ kỹ lại thì còn một lí do nữa (ngoài chuyện mình không tự tin): lúc học đại học làm đồ án môn học, hay cả làm luận văn thì đều có đồ án/luận văn của sinh viên khóa trước, mình chỉ làm theo thôi. Đó là nguyên nhân chính mà sau này lúc làm nghiên cứu mình khó làm ra cái gì mới mẻ. Do đó, khi phải làm một vấn đề gì thì các bạn nên tự mình làm trước. Sai cũng được, miễn là bạn tự làm. Sau khi đã làm xong, có thể tham khảo lời giải của người khác, phân tích lời giải mình thua/hơn chỗ nào.

Một điều mà các bạn nhỏ phải chịu là bị so sánh với một ai đó. May mắn cho mình là mình chưa bị so sánh với ai cả. Và do đó mình không có kinh nghiệm để chém gió về đề tài này. Vậy sao Phính lại đề cập nó? Bởi vì ai bị so sánh nhiều thì sẽ dẫn đến mất tự tin. Mà mình thì không muốn ai bị ‘bệnh này’ như mình cả!

Mình nghĩ tại sao tất cả chúng ta cảm thấy bình thường khi học khoa học do người Tây phát triển (Toán, Lý, Hoá, mọi thứ đều do họ tạo ra cả). Tại sao học tiếng Anh? Và nhất là tại sao làm mọi cách cho con cái đi học nước ngoài. Vậy sao không chấp nhận học về văn hoá, nếu nó là đúng đắn?

Các bạn ơi, làm ơn, bắt chước người Tây: hào phóng lời khen, tiết kiệm lời chê, và không so sánh. Làm như vậy con bạn sẽ không phải rơi vào hoàn cảnh như mình.

Ngày 30 tháng 8 năm 2022

  1. Isaac Newton, tên đầy đủ là Ngài Isaac Newton, (1643–1727), nhà vật lý và toán học người Anh, người là nhân vật đỉnh cao của cuộc Cách mạng Khoa học thế kỷ 17. Trong quang học, khám phá của ông về thành phần của ánh sáng trắng đã tích hợp hiện tượng màu sắc vào khoa học ánh sáng và đặt nền móng cho quang học vật lý hiện đại. Trong cơ học, ba định luật chuyển động của ông, những nguyên tắc cơ bản của vật lý hiện đại, dẫn đến việc hình thành định luật vạn vật hấp dẫn. Trong toán học, ông là người đầu tiên khám phá ra phép tính vi tích phân. Newton’s Philosophiae Naturalis Principia Mathematica (Các nguyên tắc toán học của triết học tự nhiên, 1687) là một trong những tác phẩm đơn lẻ quan trọng nhất trong lịch sử khoa học hiện đại. ↩︎

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

50 − 49 =