DẠY TRẺ TÍNH KIÊN NHẪN, TRẺ NHỎ KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI LỚN THU NHỎ – HÃY LÀ CHỐN BÌNH YÊN ĐỂ CON HỌC CÁCH LỚN LÊN

TRẺ NHỎ KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI LỚN THU NHỎ – HÃY LÀ CHỐN BÌNH YÊN ĐỂ CON HỌC CÁCH LỚN LÊN

Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài viết của tác giả Anh Nguyen: TRẺ NHỎ KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI LỚN THU NHỎ – HÃY LÀ CHỐN BÌNH YÊN ĐỂ CON HỌC CÁCH LỚN LÊN.

Thậm chí nhiều người lớn trong chúng ta vẫn còn loay hoay với việc diễn đạt cảm xúc, kiểm soát cơn giận hay đối diện với sự thất vọng. Vậy tại sao ta lại mong đợi một đứa trẻ có thể làm được những điều đó?

Thực tế là não bộ và hệ thần kinh của trẻ nhỏ đang trong quá trình phát triển – và quá trình này được định hình từng ngày qua những tương tác với người lớn xung quanh. Khi bị quá tải cảm xúc, trẻ không biết cách diễn đạt hay tự điều chỉnh. Lúc ấy, trẻ sẽ nhìn vào người lớn để tìm câu trả lời. Thẳm sâu trong ánh mắt hay hành vi bốc đồng của trẻ là những lời gọi thầm:

👉 “Con đang rối lắm, giúp con hiểu chuyện gì đang xảy ra được không?”

👉 “Ở đây con có an toàn không?”

Một người cha người mẹ bình tĩnh và điều tiết cảm xúc tốt sẽ hiểu rằng khả năng chịu đựng và kiểm soát của trẻ khác với người lớn. Họ không coi tiếng khóc hay cơn giận của trẻ là sự hỗn láo, thách thức hay xúc phạm. Họ hiểu rằng sự ổn định cảm xúc của chính bản thân họ sẽ mang lại cảm giác an toàn và giúp trẻ có thể dự đoán được. Và từ đó, đứa trẻ hiểu được là:

👉 “Mình có thể tin tưởng mẹ mình. Mình biết mẹ sẽ phản ứng thế nào.”

Thay vì quát mắng hay làm trẻ xấu hổ, cha mẹ hãy đồng hành cùng con vượt qua những cảm xúc lớn, dạy con cách gọi tên và làm dịu cơn sóng trong lòng. Sau mỗi lần như vậy, sợi dây gắn kết giữa cha mẹ và con cái sẽ bền chặt hơn.

Ngược lại, một người cha/mẹ thường xuyên mất kiểm soát sẽ dễ xem cảm xúc của con là “phiền phức”. Họ có xu hướng dùng hình phạt để “dập tắt nhanh” cơn giận của trẻ – cách này có thể hiệu quả tạm thời, nhưng cái giá phải trả là sự sợ hãi và rạn nứt niềm tin trong lòng đứa trẻ.

Là người lớn, có lẽ điều đầu tiên chúng ta nên làm… là tự hỏi:

Mình đã thực sự biết điều tiết cảm xúc của bản thân chưa?

Nếu chưa, hãy cho phép bản thân học cùng con. Bởi những đứa trẻ đang vấp ngã trong cơn giận hay nước mắt hôm nay… chính là những người lớn biết yêu thương, kiên cường và thấu cảm ngày mai – nếu chúng ta đủ kiên nhẫn để đồng hành.

Bởi khi người cha người mẹ có thể giữ bình tĩnh, ổn định và cảm thông thì chúng ta mới nuôi dưỡng được một thế hệ tương lai biết yêu thương, kiên cường và thấu hiểu hơn.

TOP 10 PHẨM CHẤT QUAN TRỌNG CẦN CÓ CỦA NGƯỜI CHA MẸ NUÔI DƯỠNG NHỮNG ĐỨA TRẺ HẠNH PHÚC VÀ THÀNH CÔNG

Một báo cáo khoa học tại Mỹ đã xếp hạng TOP 10 phẩm chất quan trọng của cha mẹ có thể tiên đoán sự thành công và hạnh phúc trên đứa trẻ. Thật ngạc nhiên là “Biết quản lý tốt cảm xúc bản thân” đứng thứ 2 chỉ sau “Dành thời gian tương tác chất lượng với trẻ”. Đây là TOP 10 PHẨM CHẤT QUAN TRỌNG CẦN CÓ CỦA NGƯỜI CHA MẸ NUÔI DƯỠNG NHỮNG ĐỨA TRẺ HẠNH PHÚC VÀ THÀNH CÔNG

1. Dành thời gian tương tác chất lượng với trẻ

2. Biết quản lý tốt cảm xúc bản thân

3. Giữ gìn hạnh phúc gia đình

4. Yêu thương và tôn trọng trẻ

5. Ưu tiên vào đầu tư giáo dục

6. Sử dụng các phương pháp giáo dục tích cực để trẻ thay đổi hành vi thay vì la mắng hổ báo, đánh đòn

7. Dạy trẻ những kỹ năng sống từ sớm

8. Làm gương tốt cho trẻ về những thói quen tốt và lối sống lành mạnh.

9. Giúp trẻ xây dựng 1 đức tin tốt về lòng yêu thương và bát ái

10. Luôn am hiểu trẻ. Biết trẻ tham gia những hoạt động gì và chơi cùng ai

KHI CON MÈ NHEO: KHÔNG PHẢI “HƯ” MÀ LÀ ĐANG “CẦN” BẠN

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng con mè nheo là cố tình làm nũng, nhưng thực tế, trẻ nhỏ chưa có đủ khả năng kiểm soát cảm xúc như người lớn. Khi con mè nheo, đó có thể là dấu hiệu của:

🔸 Cảm giác bị bỏ rơi: Trẻ cần sự quan tâm nhưng không biết diễn đạt.

🔸 Mệt mỏi, đói, hoặc quá tải: Khi chưa biết cách diễn đạt nhu cầu, trẻ thể hiện bằng hành vi.

🔸 Tìm kiếm sự kết nối: Trẻ nhỏ không biết cách nói “Ba mẹ ơi, hãy chú ý đến con” – thay vào đó, con quấy khóc.

Thí nghiệm Still Face của TS. Tronick (Harvard) nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối cảm xúc giữa cha mẹ và trẻ. Ban đầu, người mẹ vui đùa với con, trẻ đáp lại bằng nụ cười rạng rỡ. Nhưng khi mẹ đột ngột giữ gương mặt vô cảm, không phản ứng, trẻ cố gắng thu hút sự chú ý bằng cách cười, vẫy tay, rồi dần trở nên bối rối, lo lắng và cuối cùng bật khóc. Thí nghiệm này cho thấy trẻ nhỏ không chỉ khao khát sự tương tác từ cha mẹ mà còn cần nó để cảm thấy an toàn và phát triển khỏe mạnh.

👉 Cha mẹ nên làm gì?

Đừng vội quát con: “Nín ngay!”. Hãy thử nói: “Mẹ thấy con đang buồn/khó chịu, con có muốn ôm mẹ một cái không?” – công nhận cảm xúc của con trước khi giúp con bình tĩnh lại.

KHI CON CÁU KỈNH, PHẢN KHÁNG: ĐỪNG NGHĨ CON BƯỚNG, HÃY NGHĨ CON CẦN GIÚP

Bạn nói con đánh răng, con la lên: “Khôngggg!”

Bạn bảo con mặc áo khoác, con lăn ra đất khóc lóc.

Hành vi phản kháng này không phải là trái tính trái nết, mà đơn giản là:

🔹 Trẻ muốn tự chủ: Sau 2 tuổi, trẻ nhận ra mình là một cá thể độc lập và muốn tự quyết định mọi thứ.

🔹 Trẻ cảm thấy bị ép buộc: Khi không có sự lựa chọn, trẻ sẽ phản ứng để thể hiện quyền kiểm soát.

🔹 Trẻ chưa biết cách diễn đạt mong muốn: Thay vì nói “Con thích cái áo khác”, trẻ chỉ biết phản ứng bằng sự cáu kỉnh.

TS. Mischel đã làm một thí nghiệm Marshmallow nổi tiếng chứng minh rằng khả năng kiểm soát bản thân là một kỹ năng phát triển theo thời gian. Khi trẻ chưa đủ trưởng thành về mặt não bộ, trẻ sẽ khó kiềm chế sự bùng nổ cảm xúc khi đứng trước cám dỗ (ở đây là những viên kẹo Marchmallow).

👉 Cha mẹ nên làm gì?

Đừng quát và dán nhãn trẻ: “Con hư quá, mẹ không chịu nổi nữa!” Hãy thử đưa con quyền lựa chọn: “Con thích đánh răng trước hay thay đồ trước?” Điều này giúp con cảm thấy mình có quyền kiểm soát, nhờ đó bớt phản kháng hơn.

KHI CON ĂN VẠ: ĐỪNG VỘI TRỪNG PHẠT, HÃY TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN

Một cơn ăn vạ không phải là “chiêu trò” của con mà thực tế là một cơn bão cảm xúc mà trẻ chưa biết cách điều chỉnh.

🌀 Não bộ trẻ chưa phát triển đủ để tự xoa dịu cảm xúc – vì vậy, khi quá tải, trẻ bùng nổ bằng cách la hét, khóc lóc.

🌀 Trẻ chưa biết cách diễn đạt sự thất vọng, tức giận bằng lời nói – nên thể hiện bằng hành động.

👉 Cha mẹ nên làm gì?

Không phớt lờ hoàn toàn hoặc trừng phạt con ngay. Đầu tiên, giữ bình tĩnh – vì nếu bạn mất kiểm soát, con cũng không thể học cách kiểm soát. Sau đó, giúp con gọi tên cảm xúc: “Mẹ biết con đang rất tức giận vì không được lấy kẹo, nhưng con có thể nói với mẹ thay vì la hét.” Chờ cơn bão cảm xúc qua đi rồi mới giải thích – khi con đang khóc lóc dữ dội, lý trí không hoạt động, mọi lời khuyên lúc này đều vô ích

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

− 2 = 2
Powered by MathCaptcha