Sản phẩm hữu ích
Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài viết của tác giả Anh Nguyen: ĐỪNG ĐỂ MẮC SAI LẦM KHI TRẺ MUỐN KỂ BẠN NGHE ĐIỀU GÌ!
Khi trẻ chia sẻ một câu chuyện, dù là từ cái trẻ nhìn thấy, nghe được, hay chỉ là một ý tưởng nhỏ bé, đừng vội vàng bỏ qua. Hãy lắng nghe thật sự và tham gia vào câu chuyện của con để con cảm thấy được yêu thương và quan tâm. Những khoảnh khắc này không chỉ giúp bạn hiểu con hơn, mà còn là cơ hội quý giá để dạy con về tình yêu, sự công bằng và sự tự tin. Hãy vui mừng, vì khi con kể với bạn, đó là dấu hiệu rõ ràng rằng bạn là người quan trọng nhất trong cuộc đời con.
MỘT SỐ CÁCH ĐỂ TƯƠNG TÁC HIỆU QUẢ KHI CON KỂ CHUYỆN
1. Lắng nghe không gián đoạn: Đừng cắt lời hay vội vàng đưa ra ý kiến. Hãy để con tự do kể câu chuyện theo cách của mình, và bạn chỉ cần lắng nghe thật sự. Điều này giúp con cảm nhận được sự tôn trọng và sự quan tâm đầy đủ từ bạn.
2. Đặt câu hỏi mở: Thay vì chỉ hỏi “Con kể gì vậy?”, hãy thử hỏi những câu mở rộng như: “Con cảm thấy thế nào khi đó xảy ra?” hay “Con nghĩ điều đó có ý nghĩa gì?”. Những câu hỏi này khuyến khích trẻ suy nghĩ sâu sắc hơn về câu chuyện và giúp trẻ phát triển khả năng phân tích.
3. Khen ngợi những chi tiết sáng tạo: Khi trẻ kể câu chuyện một cách chi tiết hoặc thể hiện sự sáng tạo, hãy khen ngợi và khuyến khích con. Điều này không chỉ giúp con cảm thấy tự hào mà còn khuyến khích khả năng kể chuyện và tư duy sáng tạo.
4. Thể hiện cảm xúc khi nghe: Đôi khi, chỉ cần bạn thể hiện cảm xúc khi nghe con kể chuyện là đủ. Bạn có thể nói: “Ồ, nghe thật thú vị!” hoặc “Mẹ cảm thấy vui khi con kể về điều đó!” Những phản ứng cảm xúc này giúp con cảm nhận được sự đồng cảm và tạo ra một kết nối sâu sắc hơn giữa bạn và trẻ.
5. Khuyến khích con mở rộng câu chuyện: Nếu con chỉ kể được một phần nhỏ, hãy khuyến khích con chia sẻ thêm: “Có điều gì thú vị khác đã xảy ra không?” hoặc “Con nghĩ gì sẽ xảy ra tiếp theo?”. Điều này không chỉ giúp câu chuyện trở nên phong phú hơn mà còn khuyến khích con phát triển tư duy logic và khả năng lập luận.
6. Chia sẻ câu chuyện của bạn: Để con hiểu rằng cả bạn và con đều có những trải nghiệm thú vị, bạn có thể chia sẻ một câu chuyện cá nhân liên quan, tạo nên sự giao tiếp hai chiều. Điều này giúp con học cách giao tiếp và xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với bạn.
TẠI SAO CÁCH TƯƠNG TÁC NÀY QUAN TRỌNG?
Nghiên cứu của TS. Kulkofsky, ĐH Tech Texas cho thấy rằng khi trẻ được lắng nghe và khuyến khích kể chuyện, chúng không chỉ phát triển trí nhớ mà còn tăng cường khả năng phân tích và chống lại sự dẫn dắt từ người khác. Mỗi lần con kể chuyện và bạn tương tác với con, là một cơ hội để xây dựng niềm tin, sự tự tin và khả năng giữ vững quan điểm của mình.
Hãy nhớ rằng, mỗi câu chuyện trẻ kể chính là một mảnh ghép trong hành trình trưởng thành của con. Hãy tạo điều kiện để con có thể học hỏi, sáng tạo và trở thành một người mạnh mẽ, tự tin trong cuộc sống.
Note
Kulkofsky, S et al. What the stories children tell can tell about their memory: narrative skill and young children’s suggestibility. Developmental psychology, 44(5), 1442–1456.
Tôi kể các bạn nghe 1 tình huống thật mà tôi vô tình gặp trong một lần về Việt Nam, khi đi chợ, tôi chợt chú ý đến một gia đình trẻ—hai vợ chồng và một bé trai khoảng 5 tuổi.
Khi họ dừng xe bên một gian hàng, người mẹ bước xuống, đứa bé háo hức định theo mẹ thì người bố quát: “Không được xuống!” Cậu bé khựng lại. Người mẹ, thay vì nhẹ nhàng hướng dẫn con, lại lay mạnh vai bé như muốn giật xuống và buông lời cọc cằn: “Xuống đi, xuống đi, nát mặt mày bây giờ!” Đứa trẻ sững sờ, im lặng, ánh mắt ngạc nhiên lẫn tổn thương.
Đôi khi, chính cách chúng ta giao tiếp với con đã vô tình tạo nên khoảng cách ngày càng lớn giữa cha mẹ và con cái. Chúng ta không thể mong con lớn lên biết đối xử tử tế với mình nếu ngay từ nhỏ, chính ta chưa từng dùng những lời tử tế để trò chuyện với con.
Nuôi dạy con là con đường hai chiều! Khi cha mẹ thực sự lắng nghe, trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng, tin tưởng và gắn kết hơn với gia đình.
Nghe chủ động giúp trẻ hợp tác hơn
• Nghiên cứu cho thấy, cha mẹ giao tiếp bằng mắt, nhắc lại lời con, thể hiện sự đồng cảm giúp tăng 40% phản ứng và giao tiếp tích cực từ trẻ.
Lắng nghe giúp trẻ tự tin và ít lo lắng hơn
• Theo các nhà nghiên cứu tại Harvard, khi trẻ cảm thấy được lắng nghe, chúng hình thành sự gắn kết vững chắc với cha mẹ, từ đó tự tin hơn, giảm lo lắng và củng cố mối quan hệ gia đình.
CHA MẸ NÊN LÀM GÌ?
Dành thời gian thực sự lắng nghe con – Không cắt ngang hay vội phán xét. Như Mẹ Teresa từng nói: “Nếu bạn phán xét ai đó, bạn sẽ không có thời gian để yêu thương họ.”
Giao tiếp bằng mắt – Khi trò chuyện, hãy nhìn vào mắt con. Nếu cần, hãy ngồi xuống ngang tầm mắt trẻ để thể hiện sự tôn trọng và kết nối. Điều này giúp trẻ cảm thấy được lắng nghe và coi trọng.
Nhắc lại lời con để thể hiện sự thấu hiểu – Ví dụ: “Con đang buồn vì bạn lấy đồ chơi của con, đúng không?” Điều này giúp trẻ cảm nhận rằng cảm xúc của mình được công nhận.
Giữ bình tĩnh, không la mắng – Trẻ cần một không gian an toàn để chia sẻ cảm xúc. Khi cha mẹ bình tĩnh, trẻ sẽ học được cách kiểm soát cảm xúc của chính mình.