9 CÁCH GIAO TIẾP GIÚP TRẺ CÓ TƯ DUY PHÁT TRIỂN, 3 CHIẾC BẪY PHỔ BIẾN TRONG NUÔI DẠY CON VÀ CÁCH ĐỂ CHA MẸ TRÁNH CHÚNG

3 CHIẾC BẪY PHỔ BIẾN TRONG NUÔI DẠY CON VÀ CÁCH ĐỂ CHA MẸ TRÁNH CHÚNG

Làm cha mẹ luôn là một hành trình đầy thách thức, và chưa bao giờ là điều dễ dàng. Dù kinh nghiệm đã được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, vẫn có những khoảnh khắc tưởng chừng quen thuộc đến mức ai cũng từng trải qua: đã quá giờ đi ngủ, bạn mệt lả vì thiếu ngủ, bụng chỉ lót dạ bằng vài muỗng cơm nguội, và bạn sẵn sàng làm bất cứ điều gì chỉ để con chịu đi tắm. Tình huống tưởng như vụn vặt ấy lại chính là lúc những chiếc “bẫy” trong việc nuôi dạy con được giăng ra. Dù cha mẹ có thiện chí và nỗ lực đến đâu, nếu không nhận ra và điều chỉnh kịp thời, những bẫy này có thể dần trở thành thói quen khó gỡ, khiến bạn như bị cuốn vào cát lún – càng vùng vẫy, càng dễ mắc kẹt.

3 CHIẾC BẪY PHỔ BIẾN TRONG NUÔI DẠY CON VÀ CÁCH ĐỂ CHA MẸ TRÁNH CHÚNG

Tuy nhiên, khi được trang bị những thông tin đúng đắn ngay từ đầu, cha mẹ sẽ ít bị cuốn vào những cái bẫy này, hoặc ít nhất cũng sẽ dễ dàng nhận ra khi mình đang dần trượt vào đó. Dưới đây là 3 chiếc bẫy phổ biến trong hành trình nuôi dạy con, được rút ra và điều chỉnh từ danh sách lỗi thường gặp trong chương trình Nuôi dạy con Tích cực (Positive Parenting Program).

1. CHIẾC BẪY LEO THANG (The Escalation Trap) có thể diễn ra theo hai chiều hướng:

Thứ nhất là khi trẻ leo thang. Giả sử con bạn muốn ăn kẹo hoặc chơi điện tử. Bạn nói: “Không, gần đến giờ ăn tối rồi” hoặc “Hôm nay con đã hết thời gian dùng màn hình”. Con bắt đầu nài nỉ, mè nheo hoặc thậm chí là ăn vạ, và cứ tiếp tục cho đến khi bạn mệt mỏi và nhượng bộ, nghĩ bụng: “Miễn là con ngừng mè nheo cũng được”.

Vậy là con học được rằng: Cách để có được kẹo hoặc thời gian chơi là làm ầm lên, khóc to hơn, mè nheo dai dẳng hơn. Điều này khiến khả năng con lặp lại chiến lược ấy vào lần sau tăng lên rất nhiều.

Thứ hai là khi cha mẹ leo thang. Ví dụ, bạn nói: “Các con ơi, vào rửa tay để ăn tối nào”. Trẻ đang xem TV và không phản ứng gì. Vài phút sau, bạn quay lại và nói lớn hơn: “Mẹ bảo vào rửa tay rồi mà!”, trẻ trả lời: “Dạ, vài phút nữa ạ”, nhưng lại vẫn ngồi đó. Lần thứ ba, bạn tức giận thực sự, quát lên và ra lệnh, lúc đó trẻ mới chịu đứng dậy. Trẻ học được rằng: chỉ khi cha mẹ nổi giận thực sự thì yêu cầu mới cần phải làm theo.

Vấn đề là: Bạn đang nghĩ rằng phải la hét mới có hiệu quả, còn trẻ thì học được rằng lời nói ban đầu không có giá trị gì – chỉ khi bố mẹ hét lên thì mới là “nói thật”.

Làm sao để tránh?

Hãy kiên định và bình tĩnh. Nếu bạn đã nói “không”, đừng phản ứng trước những hành vi nhằm thay đổi quyết định của bạn. Khi trẻ bình tĩnh lại hoặc nói chuyện một cách dễ chịu, hãy củng cố bằng sự công nhận: “Mẹ thích cách con bình tĩnh lại như vậy” hoặc “Thật dễ chịu khi con nói chuyện nhẹ nhàng thế này”.

Tương tự, nếu bạn yêu cầu điều gì đó và trẻ phớt lờ, bạn có thể nhắc lại một lần mà không tăng giọng, kèm theo hệ quả rõ ràng: “Mẹ nhắc con rửa tay ăn tối rồi. Nếu không thực hiện, con sẽ mất 10 phút chơi sau bữa ăn”. Và khi trẻ hợp tác, dù phải nhắc hai lần, cũng hãy khen ngợi điều đó.

2. CHIẾC BẪY “CHẮC CHỈ LÀ GIAI ĐOẠN NÀY THÔI” (The ‘It’s Just a Phase’ Trap)

Một chiếc bẫy khác là khi bạn nhận thấy hành vi không ổn ở con, bạn hy vọng nó sẽ tự biến mất và… không can thiệp. Bạn nghĩ: “Chắc chỉ là một giai đoạn này thôi”, một cách tự trấn an để khỏi phải đối mặt. Ví dụ, con bạn trở nên hung hăng khi chơi với bạn bè. Bạn tự nhủ: “Chắc nó đang phát triển tính cách thôi, trẻ con mà”.

Có thể đúng là hành vi đó sẽ biến mất theo thời gian, nhưng điều quan trọng là cách bạn (và người xung quanh) phản ứng có thể quyết định tốc độ điều đó diễn ra. Nếu trẻ kiểm tra ranh giới và không ai phản ứng, trẻ sẽ học rằng hành vi đó là chấp nhận được, thậm chí là có tác dụng vì thu hút sự chú ý. Và một khi trẻ đã “học” điều này, việc thay đổi sẽ rất khó khăn khi lớn lên.

Làm sao để tránh?

Tất cả trẻ nhỏ đều sẽ cắn, đánh, giành đồ chơi, đó là cách các em khám phá hành vi. Nhưng cha mẹ cần phản hồi sao cho trẻ hiểu đâu là giới hạn. Hãy xem mỗi hành vi như một “thí nghiệm”, và bạn là người đưa ra “kết quả”. Việc thiết lập giới hạn rõ ràng, kết hợp với việc khen ngợi khi trẻ không hành xử sai, sẽ giúp giảm những hành vi tiêu cực dần dần.

3. CHIẾC BẪY “CON CỐ TÌNH LÀM THẾ ĐỂ CHỌC TỨC MÌNH” (The ‘You Do This on Purpose’ Trap)

Đây là chiếc bẫy khiến cha mẹ diễn giải sai hành vi của trẻ, tin rằng con làm gì đó có chủ ý để làm phiền hoặc khiến mình tức giận.

Ví dụ, bạn bảo con chuẩn bị đi thăm bà ngoại. 10 phút sau quay lại, con vẫn đang chơi. Bạn tức giận và nói: “Mẹ bảo con chuẩn bị rồi mà. Con biết hôm nay quan trọng với mẹ mà vẫn cố tình không làm. Con đang cố tình chọc mẹ tức lên đấy!”.

Vấn đề là: khi bạn cho rằng con đang cố ý làm bạn tổn thương, bạn sẽ phản ứng với nhiều cảm xúc tiêu cực hơn, thay vì bình tĩnh tìm hiểu lý do. Có thể con đang lo lắng về việc rời khỏi nhà, chưa biết cách xử lý cảm xúc, hoặc đơn giản là quên mất. Rất nhiều nguyên nhân khác nhau, và nguyên nhân ít khả năng nhất chính là: con làm vậy để “ghẹo” bạn. Nếu bạn tin rằng con cố tình chống đối, bạn sẽ phản ứng tiêu cực, ít kiên nhẫn, và khó có thể nhìn thấy những hành vi tích cực mà con thể hiện sau đó.

Làm sao để tránh?

Hãy loại bỏ từ “thao túng” khỏi cách bạn nghĩ về con. Trẻ con không phải những “kẻ điều khiển” còn bạn là “nạn nhân”. Khi con có hành vi không ổn, hãy nhớ: trẻ chưa có khả năng kiểm soát cảm xúc như người lớn. Những cơn ăn vạ thường là phản ứng trong tuyệt vọng chứ không phải mưu tính. Hãy cố gắng hiểu hành vi đó đến từ đâu và nó đang phục vụ nhu cầu gì cho trẻ. Điều này giúp bạn giữ được sự bình tĩnh và có chiến lược phù hợp để hỗ trợ con thay vì trừng phạt.

Nguồn bài viết: childmind

Dịch và tổng hợp: Family & Child Psychology with Nguyen Minh Thanh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

38 − = 35
Powered by MathCaptcha