CHUYỆN ĐI THI… từ góc nhìn của 1 người mẹ đang làm giáo dục

CHUYỆN ĐI THI… từ góc nhìn của 1 người mẹ đang làm giáo dục

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của cô Phạm Nha Trang về vấn đề thi tiếng Anh, link bài viết gốc tại đây.

Nhóc con nhà mình đang thi học sinh giỏi vượt 1 lớp cùng lớp 9.

Trước giờ mình rất tự tin về năng lực tiếng Anh và Khoa học của con. Sự tự tin này đến từ các đánh giá định lượng gồm công cụ kiểm tra của Mỹ, và đánh giá định tính từ các tiến sỹ, phó giáo sư trực tiếp dạy con chương trình vượt cấp. Con luôn đi thi tất cả các cuộc thi (trừ IMSO) trong tư thế “tay bo”, có gì thi nấy, và luôn đứng đầu hoặc trong top đầu.

Kết quả năm nay của con chỉ dừng ở mức khá. Ở bài thi tiếng Anh, con sai nhiều các phần “đặc sản quê ta” như “phát âm trên giấy”, điền từ, viết lại câu, v.v. Bài thi Khoa học dù ít kiến thức mà con chưa biết, nhưng con mắc nhiều “lỗi trình bày”, diễn đạt không đúng cụm từ, hoặc mắc lừa bẫy câu từ của đề bài.

Mình không khỏi trăn trở. Đầu óc con tốt, và con chỉ còn một chút nữa thôi để vươn lên top đầu. Không khó để nâng kết quả thi lên, nhưng….

Con sẽ phải học môn Ngữ âm như sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh trường mình. Con sẽ phải trở thành cuốn từ điển, học thuộc các cụm từ thật khó. Con sẽ phải vào “lò” luyện thi môn Khoa học, sẽ phải học chỉ 1 số mảng kiến thức hẹp nhưng đến tận mức cao siêu, luyện đi luyện lại đề, cặm cụi giải các bài toán di truyền chỉ tồn tại trong đề thi “quê ta”.

Một khoảng thời gian, công sức sẽ mất đi, kèm theo chi phí cơ hội. Để làm gì?

Trừ nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, mục tiêu tối thượng của việc học ngôn ngữ phải là sử dụng được ngôn ngữ đó như 1 công cụ để sống và làm việc. Mục tiêu tối thượng của việc học khoa học ở phổ thông là trang bị cho trẻ kiến thức khoa học cơ bản, và kích thích sự tò mò vốn có khiến trẻ mong muốn tìm hiểu thêm về thế giới tự nhiên xung quanh. Cách học tốt nhất, chắc chắn không phải là học thuộc kiến thức, giải đề thật nhiều, mà trẻ phải được tự khám phá qua nhiều hoạt động, tự đặt câu hỏi, tự thu thập và phân tích các dữ liệu đó. Và còn phải để biết con có thích hợp với nghề khoa học trong tương lai không, hay chọn ngành gì.

Mình vẫn theo đuổi những mục tiêu đường dài này bấy lâu nay.

Dù không “học tiếng Anh” 4 năm nay, nhưng con vẫn luôn đạt mức khá ở các bài thi HSG vì con dùng tiếng Anh để khoa học và toán, để đọc các tác phẩm kinh điển nguyên tác, sách khoa học dành cho người lớn, đọc báo chí, xã luận hay xem phim tài liệu. Đọc nhiều, nên con có năng lực đọc vượt trội, ở mức 1775L đo theo thang lexile của Achieve3000 Literacy, và đo bằng nhiều bài thi khác. Con viết book review, viết truyện, viết mọi thứ trên đời còn tốt hơn tiếng mẹ đẻ. Con nói tiếng Anh đủ tốt để dành thứ hạng cao tại WSC và kha khá tại một số giải đấu debate, hay “chém gió” về bất kỳ vấn đề học thuật nào.

Mình đang cho con học môn Khoa học theo hướng đề cao thực tiễn. Con là đứa trẻ say mê làm thí nghiệm một mạch trong phòng thí nghiệm của trường ĐH từ 8h-13h không nghỉ, mày mò đọc đủ thứ tài liệu để hoàn thành báo cáo. Con sắp sửa bước vào giai đoạn học những kiến thức quyết định cho nghề nghiệp sau này.

Những mục tiêu ngắn hạn như những kỳ thi, danh hiệu hay huy chương đôi khi dễ khiến ta lạc hướng. Chính mình cũng có lúc “ngả nghiêng”, nhất là khi con đủ năng lực để đạt kết quả cao hơn.

Hôm nọ, con hỏi: “Các trường ĐH làm sao phân biệt được bài luận do chính ứng viên đó viết, hay thuê người khác viết?”

Mình trả lời con rằng “mỗi bài luận phải là 1 câu chuyện riêng thể hiện học sinh đó là ai, có màu sắc gì đặc biệt so với hàng nghìn ứng viên khác. Một người viết luận giỏi đến đâu cũng không thể tạo nhiều màu sắc cho những người khác với mức xuất sắc tương đương như họ thể hiện bản thân họ. Như thế dù người viết thuê có xuất sắc đến mấy, bài luận cũng sẽ nhạt nhoà. Đó là lý do, mẹ nuôi con theo 1 cách riêng để con luôn giữ được màu sắc của con”

Mà đúng là có quá nhiều thứ cần làm để chuẩn bị tương lai sau này, chứ không phải là những kỳ thi….

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

− 4 = 2