Sản phẩm hữu ích
Có một số việc, khi không/chưa biết rõ nó là gì – khó khăn đến mức độ nào thì chúng ta có thể sẽ làm được, Người không biết sẽ không sợ, cứ đi rồi sẽ đến, quan trọng là đặt bước chân đầu tiên
Vào một ngày đẹp trời năm 1796, trong trường Đại học Gottech ở nước Đức, một chàng trai trẻ 19 tuổi sau bữa tối liền bắt đầu làm 3 đề toán đã được giáo viên hướng dẫn giao riêng mỗi ngày. Chàng trai này có năng khiếu trời phú về môn toán, vì vậy nên giáo viên hướng dẫn gửi gắm tất cả hi vọng vào cậu ta, mỗi ngày đều giao thêm cho cậu 2 đề toán tương đối khó để rèn luyện.
Trong tình huống thông thường, cậu ta sẽ hoàn thành phần bài tập đặc biệt này trong vòng 2 tiếng đồng hồ.
“Sao hôm nay thầy giáo lại giao thêm cho mình 1 đề thế này?” Chàng thanh niên vừa mở vở bài tập ra vừa lẩm bẩm, anh chàng cũng không nghĩ nhiều, bắt đầu bắt tay vào làm bài tập.
Cũng giống như bình thường, 2 đề trước cậu ta hoàn thành vô cùng thuận lợi trong vòng hai tiếng. Đề thứ 3 được viết trên một mảnh giấy nhỏ, yêu cầu chỉ dùng compa và một cái thước kẻ không có khắc độ vẽ ra một hình đa giác đều có đúng 17 cạnh.

Anh chàng không hề để ý, bắt đầu làm giống như làm hai đề trước đó. Tuy nhiên, càng làm thì càng cảm thấy tốn sức, cậu ta bắt đầu nghĩ rằng, có lẽ giáo viên thấy mình ngày nào cũng hoàn thành bài tập một cách dễ dàng nên lần này đặc biệt tăng độ khó lên mà thôi.
Nhưng mỗi giây mỗi phút trôi qua, đề toán thứ ba vẫn không có một chút tiến triển gì. Chàng trai vắt óc cũng nghĩ không ra kiến thức toán học hiện tại nào của bản thân có thể vận dụng để giải được đề toán này.
Khó khăn khơi dậy ý chí chiến đấu của chàng thanh niên: Mình nhất định phải giải được! Anh chàng cầm compa và thước kẻ vẽ lên giấy, thử những phương pháp thường dùng để giải đề toán này…
Cuối cùng, khi ánh bình minh đầu tiên chiếu vào ô cửa sổ, anh chàng đã thở một hơi thật dài, loay hoay mãi, cuối cùng cũng đã giải được đề toán khó này rồi!
Khi gặp được giáo viên hướng dẫn, chàng trai cảm thấy có một chút hổ thẹn và tự trách mình. Cậu ta nói với thầy giáo: “Thầy giao cho em đề toán thứ ba em đã phải làm tròn một đêm, em đã phụ sự bồi dưỡng của thầy rồi…”

Giáo viên hướng dẫn cầm quyển bài tập của chàng trai, vừa xem qua ông đã ngây người, vô cùng kinh ngạc.
Thầy giáo nói với anh chàng bằng giọng run run: “Bài này là do em làm thật sao?”
Anh chàng biểu lộ sự nghi hoặc trên khuôn mặt, nhìn người thầy đang có biểu hiện khác lạ, trả lời: “Đương nhiên rồi, nhưng có lẽ em còn kém cỏi, phải mất một đêm em mới giải được bài toán đó.”
Thầy giáo bảo chàng trai ngồi xuống, lấy compa và thước kẻ ra, trải giấy lên trên mặt bàn rồi bảo cậu ta vẽ một hình có đúng 17 cạnh ở trước mặt mình.
Chàng trai nhanh chóng vẽ ra một hình có đầy đủ 17 cạnh. Thầy giáo vô cùng kích động nói với cậu học sinh của mình:
“Em có biết hay không, em đã giải được bài toán chưa ai giải được và nó có lịch sử hơn 2000 năm rồi? Archimedes không giải được, Isaac Newton cũng không giải được, em lại có thể giải được nó trong một đêm! Em đúng là một thiên tài! Gần đây thầy đang nghiên cứu bài toán khó này, hôm qua lúc chuẩn bị giao bài tập cho em, vì không cẩn thận nên đã kẹp lẫn mảnh giấy có ghi bài toán này vào trong phần bài tập của em.”
Nhiều năm sau, chàng trai này mỗi khi nhớ lại câu chuyện đó đều nói: “Nếu có người nói cho tôi biết đó là một đề toán khó, có lịch sử hơn 2000 năm chưa ai giải được, tôi sẽ không thể giải được nó trong vòng một đêm.”
Chàng thanh niên này chính là “hoàng tử của các nhà toán học” lừng danh Karl Friedrich Gauss.
Karl Friedrich Gauss (1777 – 1855) là nhà toán học, nhà vật lí học, nhà thiên văn học, nhà trắc lượng học, được sinh ra ở Brunswick, mất ở Göttingen, hưởng thọ 78 tuổi. Ông được đánh giá và một trong những nhà toán học quan trọng nhất trong lịch sử.
Xem thêm Các giai thoại về nhà toán học Gauss!
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với George Dantzig, được coi là một trong những người sáng lập ngành kỹ thuật công nghiệp và nghiên cứu vận hành. Tuy nhiên, một trong những thành tựu đáng kinh ngạc nhất của ông xảy ra khi ông vẫn còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Berkeley. Khi đến muộn trong một lớp học thống kê, Dantzig đã vội vàng ghi lại hai bài toán được viết trên bảng, nghĩ rằng đó là bài tập về nhà. Ông đã giải các bài toán đó và nộp lại, chỉ để phát hiện ra vài tuần sau rằng chúng không phải là bài tập, mà là hai bài toán thống kê nổi tiếng chưa có lời giải, sự việc này đã giúp ông được đặc cách có PhD luôn. Câu chuyện này trở nên huyền thoại và đã truyền cảm hứng cho một cảnh trong bộ phim Good Will Hunting.

Nhưng đột phá đó chỉ là một trong nhiều thành tựu của Dantzig. Vào năm 1960, Dantzig được tuyển làm giảng viên sớm trong bộ phận khi đó là Khoa Kỹ thuật Công nghiệp, nơi ông sáng lập và điều hành Trung tâm Nghiên cứu Vận hành. Ông trở thành người đầu tiên xây dựng mô hình quy hoạch tuyến tính và nghiên cứu các tính chất toán học của chúng. Ông cũng phát triển thuật toán đơn hình (simplex algorithm), một nền tảng quan trọng trong lĩnh vực tối ưu hóa toán học và nghiên cứu vận hành. Công trình của ông về quy hoạch tuyến tính và phương pháp đơn hình đã có ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết mọi ngành công nghiệp.
Là một thành viên của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, và Hiệp hội Nghệ thuật và Khoa học Hoa Kỳ, Dantzig đã được trao Huân chương Khoa học Quốc gia vào năm 1975.