Nguyên lý Patero là gì?

Nguyên lý Patero là gì?

​Nguyên tắc 80/20 hay quy tắc Pareto có ý nghĩa rằng đa phần mọi chuyện trong cuộc sống đều không được phân phối đều nhau mà thay vào đó là 80% kết quả là do 20% nguyên nhân gây nên. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết Nguyên lý Patero của tác giả Vũ Phính, trích từ cuốn sách Cửu Âm Chân Kinh Về Phương Pháp Học Tập vô cùng hay của tác giả.

Nguyên lý Pareto1 (hay còn gọi là luật 80-20), phát biểu rằng chỉ 20% những gì mình làm đóng góp vào 80% thành công mình đạt được. Các bạn trẻ (học sinh cấp 2,3 và sinh viên đại học) có thể áp dụng luật 80-20 này trong việc học của mình. Bài viết này chia sẻ kinh nghiệm từ tác giả, người mà chỉ biết đến nguyên lý này khoảng 6 năm về trước. Có nghĩa là mình không biết gì đến nguyên lý này lúc học phổ thông và đại học (những năm 90-2000), nhưng ngẫm lại thì thấy nó đúng!

Nguyên lý Patero là gì?

Để cho dễ hiểu sử rằng chương trình học có 10 môn. Vậy thì luật 80-20 bảo ta hãy học 2 môn thôi, và chính 2 môn này sẽ quyết định thành công của chúng ta (khoảng 80%). Làm sao biết 2 môn nào? Để trả lời câu hỏi này thì cần xét 2 trường hợp.

  • Trường hợp một: học sinh cấp 3. Mình thích nghành kỹ thuật và thi đại học ngành này thì cần 3 môn: Toán, Lý và Hoá. Do đó, 3 năm cấp ba mình chỉ học 3 môn này thôi. Những môn khác mình học cầm chừng: học làm sao đừng ở lại! Như vậy thay vì dùng năng lượng và thời gian (đều là hữu hạn) để học 10 môn, giờ mình chỉ cần học 3 môn thôi. Nhưng chúng ta có thể áp dung luật 80-20 vào 3 môn này! Rõ ràng là nếu mình học Toán vững thì học Lý và Hoá cũng dễ dàng hơn, và vì mình không thích Hoá, nên mình chỉ học Toán và Lý là chính. Tính toán của mình là: nếu Toán và Lý được khoảng 16 điểm thì Hoá chì cần 6 điểm thì được 22 điểm. Chừng đó có thể vào được Bách Khoa Xây Dựng (nếu mà hồi đó mình chọn Công Nghệ Thông Tin–điểm chuẩn năm 1998 là 25) thì mình rớt rồi. Mình được khoảng 23 điểm (gần đúng với tính toán). Các bạn cần biết thêm rằng đến năm lớp 9 mình vẫn không biết cân bằng phương trình hoá học và không biết định luật Ohm (Ôm) thì như vậy là tốt lắm rồi.
  • Trường hợp hai: sinh viên đại học. Cái này khó xơi. Vì sao? Vì chỉ có Chúa mới biết sau khi ra trường 2 môn nào quyết định 80% thành công! Trong trường hợp kỹ sư xây dưng như mình thì có khi tửu lượng cao lại quyết định thành công, chứ không phải là chuyên môn (như Kết cấu bê tông cốt thép chẳng hạn). Nếu logic không thể giúp (trường hợp của mình là người không chủ động nên không biết đi hỏi người đi trước), thì chỉ còn lắng nghe con tim thôi. Một lần nữa mình áp dung luật 80-20 (mà không biết): mình chỉ học môn mình thích thôi còn môn không thích, học cầm chừng. Kết quả? Có một học kỳ điểm trung bình của mình là 3.6/4 (Bách Khoa SG dùng thang điểm 4), nhưng mà nhiều học kỳ, điểm của mình chỉ đạt 2/4.

Một kết quả tất yếu của kiểu học này là: bạn sẽ không bao giờ có bằng giỏi! Vậy thì học kiểu này có cái gì hay? Mình không biết! Đây chỉ là những suy ngẫm về quá khứ thôi. Thay vì dành thời gian học những môn mình không thích, mình học 2 thứ mà lúc đó chẳng liên quan gì đến xây dựng: môn Phần Tử Hữu Hạn và môn lập trình C++. Ma đưa lối quỹ dẫn đường thế nào mà mình lại học 2 môn này? Chỉ là sự tình cờ. Hay nói cho văn vẻ: đó là số phận. Môn Phần Tử Hữu Hạn chỉ dạy ở khoa Cơ Khí mà thôi, và một người bạn xây dựng rủ mình đi học … cho vui. Ok thôi. Còn gì bằng ”having fun”? Học được vài buổi thì bỏ (con khỉ–mình sinh năm con khỉ–là như vậy đó).

Nguyên lý Patero là gì?

Còn về lập trình C++ thì thế này. Hồi đó sinh viên Huế xa nha vô SG học thường thuê nhà ở chung. Và mình ở chung với một anh học Công Nghệ Thông Tin và anh có quyển sách có cái tựa đề rất là gây tò mò: Lập trình hướng đối tượng với C++. Mình không có thiện cảm với lập trình (do cấp ba học ngu môn này). Nhưng mà cái chữ C++, với C thật to và ++ nhỏ nhỏ nằm chếch lên một tí, thì gây ấn tượng với mình. Nó là cái gì đó fantasy, một cái gì đó không nhàm chán như xây dựng. Vậy là mình cầm quyển sách đó lên đọc, rồi … bỏ xuống. Không thể làm khác hơn được. Đó là những năm 1998-2003. Phần Tử Hữu Hạn thì mình vẫn chẳng biết gì và C++ vẫn chỉ là một thứ gì đó
xa xôi. Thế nhưng sau này mình gặp lại chính 2 thứ này như là một sự sắp đặt của số phận.

Sau khi tốt nghiệp (dĩ nhiên là bằng khá), thì mình quyết định đi học cao học Việt-Bỉ. (Cảm ơn ba mẹ đã ủng hộ con). Và trong chương trình cao học này thì môn Phần Tử Hữu Hạn là một môn chính! Đến lúc tìm đề tài tốt nghiệp thì nhân vật C++ nhảy vào. Hồi đó, thấy các anh đi trước đi nước ngoài về kể nhiều chuyện giáo sư này giáo sư nọ–những người mà mình chỉ biết đến qua sách vở, và mang về sô cô la Bỉ rất ngon, mình đã có ý muốn đi nước ngoài từ lúc nào không hay. Mình muốn gặp những nhân vật huyền thoại này. Thế thôi! Lấy cái gì để đi nước ngoài? Không TOEFL, IELTS, không bằng giỏi, không có tiền.

Mình quyết định phải làm một đề tài tốt nghiệp xuất sắc để lôi kéo sự chú ý của GS Nguyễn Đăng Hưng–chủ nhiệm chương trình Việt-Bỉ. Nhờ anh Trần Đức Hân gợi ý, mình tìm được một đề tài nóng (nghĩa là đề tài mà nhiều người quan tâm), nhưng mà không có tài liệu. Thế là mình email cho tất cả GS trên thế giới để xin tài liệu. Không ai trả lời. Cho đến một hôm thì mình nhận dược email
từ một người tên là Stéphane Bordas. Stéphane là người Pháp và lúc đó đang làm hậu tiến sỹ ở EPFL2, Thuỵ Sỹ. Ông nói: mày có muốn tau hướng dẫn đề tài tốt nghiệp của mày không. Cuối email–như là một sự sắp đặt của số phận, ông hỏi: ”Nhân tiện, mà chú có biết C++ không?””Yes, I know C++”. Đó là câu trả lời của mình. Và đó là điểm bắt đầu cho một chặng đường cam go dài đúng một năm. Vì thật ra mình biết C++ mà C++ nó chưa biết mình. Hình bên cạnh là mình chụp với Stéphane năm 2010, tức là 7 năm sau thì mình mới gặp ông lần đầu tiên. Rất đẹp trai, nhìn luôn trẻ, và là dân Paris chính gốc.

Phải đúng một năm trời thì mình mới có kết quả. May mắn là nỗ lực của mình được đền đáp: luận văn tốt nghiệp của mình đạt điểm 19/20, cao nhất trong lớp. Đó là phút huy hoàng duy nhất của mình. Và rồi điều mình chờ đợi đã đến: GS Hưng và Stéphane Bordas giới thiệu mình cho một GS ở Pháp. Mình đi Pháp tháng 2 năm 2006. Từ đó đến nay đã được 16 năm. Vậy thì 2 môn nào ở trường BK quyết định 80% thành công? Thành công là gì thì rất khó định nghĩa–đối với một người tầm thường như mình thì được đi nước ngoài ngắm nghía là thành công vậy. Bất ngờ thay, đó là môn Phần Tử Hữu Hạn và lập trình C++: hai môn không nằm trong chương trình chính quy!

Để kết luận mình dùng câu nói nổi tiếng của Steve Jobs (1955 – 2011), người đồng sáng lập công ty Apple:

”Bạn không thể kết nối các dấu chấm (sự kiện) khi nhìn về phía trước; bạn chỉ có thể kết nối chúng khi nhìn ngược lại. Vì vậy, bạn phải tin tưởng rằng các sự kiện sẽ kết nối bằng cách nào đó trong tương lai của bạn. Bạn phải tin tưởng vào một thứ gì đó – linh cảm, số phận, cuộc sống, nghiệp chướng, bất cứ điều gì.”

Bạn có thể xem bài phát biểu của Steve Jobs ở Youtube, chỉ việc tìm Steve Jobs speech. Nhưng nếu bạn nghĩ Jobs là người đầu tiên nói điều này thì bạn nhầm to. Nhà thần học, triết gia, nhà thơ, nhà phê bình xã hội người Đan Mạch, Soren Kierkegaard (1813–1855) đã nói ”Cuộc sống chỉ có thể được hiểu bằng cách nhìn về phía sau; nhưng nó phải được sống hướng về phía trước” cách đây hơn 100 năm.

Các bạn trẻ, nếu bạn thích học gì thì cứ học. Những môn còn lại, có thể học cầm chừng. Nếu bạn giỏi như Steve Job hay Bill Gates, bạn có thể làm điều mà mình không làm được: bỏ học để làm điều gì to tát hơn. Nhưng đó là bạn nghe theo mấy ông kia, mình không liên quan gì nghen. Các bạn trẻ, nếu bạn cũng muốn đi du học và cũng như tôi 19 năm về trước, email trực tiếp cho tất cả GS. Sẽ có một người trả lời. Thư mình gửi Stéphane chẳng có gì đặc biệt (tiếc là mình không tìm lại được email này). Stéphane trả lời là may mắn, là số phận của mình. Gần 100 năm trước nhà toán học thiên tài Ấn Độ Ramanujan (lúc đó chỉ là một người thư ký nghèo) đã gửi thư trực tiếp đến Hardy–GS Toán nổi tiếng đại học Cambridge (Anh). Sau này Hardy nói ”biết đến Ramanujan là phát hiện lớn nhất của đời tôi”.

Ngày 1 tháng 8 năm 2022

  1. Vilfredo Federico Damaso Pareto (1848 –1923) là một nhà thông thái người Ý (kỹ sư xây dựng, nhà xã hội học, nhà kinh tế học, nhà khoa học chính trị và nhà triết học). ↩︎
  2. The École polytechnique fédérale de Lausanne (EPFL), tiếng Anh: the Swiss Federal Institute of Technology Lausanne. ↩︎

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

30 − = 25