Sản phẩm hữu ích
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết CÁCH HỌC TỐT NHẤT: VIẾT! của tác giả Vũ Phính, trích từ cuốn sách Cửu Âm Chân Kinh Về Phương Pháp Học Tập vô cùng hay của tác giả. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Thỉnh thoảng lúc đọc sách mình thấy một vài tác giải viết: “viết sách là cách tốt nhất để học về một đề tài nào đó”. Frank Oppenheimer (1912 – 1985) nhà vật lý người Mỹ, cũng từng nói: “dạy là cách tốt nhất để học một cái gì đó”. Và quan điểm này được nhiều nhà bác học chia sẻ.
Nhưng mà các bạn trẻ thì lấy đâu ra cái cơ hội để dạy? Thật ra có nhiều cơ hội lắm.
- Các bạn có thể dạy cho người mình thích nè. Cái này chính từ kinh nghiệm cua gái thời trai trẻ của mình.
- Các bạn có thể viết blog về đề tài mình đang muốn học.
- Các bạn có thể viết note (hay sách cho chính bạn). [Nếu là đề tài kỹ thuật thì nên dùng LATEX để viết]
Nhưng không phải là copy và viết lại những gì các bạn đã học từ thầy/cô hay sách. Làm như vậy bạn chẳng học được gì, và cái note bạn viết chỉ là một sự lãng phí thời gian của bạn và của người đọc. Vậy phải viết như thế nào?
- Trước tiên bạn phải trung thực với chính bản thân. Những nhà thông thái hàng đầu thế giới thường trả lời các câu hỏi bằng câu “Tôi không biết. Nhưng tôi nghĩ…” Richard Feymann trong cuốn sách nổi tiếng “Các bài giảng Vật Lý của Feymann” cũng thường xuyên viết “tôi không biết”. Nhưng tại sao phải trung thực khi viết? Giả sử bạn không biết [rõ] về đề tài A. Do đó lúc viết về nó bạn sẽ lòng vòng tam quốc. Viết xong, dĩ nhiên, bạn cũng không hiểu, và dĩ nhiên người đọc cũng không hiểu. Câu chuyện chưa kết thúc ở đó. Người đọc, vì tin tưởng bạn (bạn là tác giả mà, bạn đã viết sách mà), nên lúc đọc gì không hiểu, họ đổ lỗi cho bản thân, kiểu như “mình ngu, hay mình không đủ trình để học cái này”. Mà khi cái suy nghĩ tiêu cực này đã nảy sinh thì bạn sẽ đóng sập cánh cửa và không chấp nhận đề tài A một lần nào nữa, [Không ai muốn cái cảm giác mình ngu cả!]. Dưới đây mình sẽ trình bày kinh nghiệm đau thương của chính mình.
- Liên quan đến vấn đề trung thực là xin các tác giả đừng nổ. Ví dụ rằng để hiểu đề tài A không cần biết lý thuyết B hay C, mà tác giả vẫn viết về B và C. Tại sao? Nổ thôi: cho mọi người thấy ta là uyên bác. Tác hại của nổ thì vô cùng. Xin làm ơn, các tác giả, đừng nổ. Cái này thì rất phổ biến và dưới đây mình sẽ trích dẫn hẳn một câu than vãn của một nhà bác học “không biết nổ”. Châm ngôn cho tác giả nên là: Cần chi viết nấy, biết chi viết nấy, không biết nói không biết.
- Mục đích chính của một quyển sách là tác giả trình bày làm sao cho người đọc làm/hiểu được những gì bàn trong sách. Mục đích của một quyển sách không phải là để cho tác giả chứng tỏ: “tôi làm được những gì trong sách”, còn anh đọc không hiểu tôi không quan tâm!
- Bạn phải xem đối tượng đọc sách (blog/note) của mình chỉ là một cô/cậu khoảng lớp 8, ngây thơ chưa biết gì về đời. Và từ xuất phát điểm đó dẫn họ vào đời (bằng sách/blog/note của bạn). Nếu khi đọc xong sách của bạn, họ vào đời, hay chí ít biết thế nào là đời thì bạn có thể coi như thành công.
- Bạn nên dùng văn phong nhẹ nhàng, hài hước được thì càng tốt. Nếu được thì nên dùng một câu chuyện để bắt đầu một đề tài gì. Không gì bằng câu chuyện cả. (Phần lớn chúng ta thích phim/truyện).
- Bạn không nên bắt đầu với chi tiết kỹ thuật. Thay vào đó, nên bắt đầu bằng cái gì dễ hiểu, rồi cho người đọc thấy “big picture” hay bức tranh tổng thể là gì.
- Viết về đề tài khoa học kỹ thuật không nên dùng ngôn ngữ của Shakespeare1. Bạn không phải là nhà văn! Giữ các câu ngắn gọn, được xây dựng đơn giản và trực tiếp. Câu ngắn gọn, rõ ràng có tác dụng tốt cho việc giải thích khoa học. Giảm thiểu mệnh đề, câu ghép và các từ chuyển tiếp – chẳng hạn như ‘tuy nhiên’ hoặc ‘do đó’ – để người đọc có thể tập trung vào thông điệp chính.
- Mỗi đoạn văn chỉ truyền tải một ý tưởng hoặc thông điệp duy nhất. Đừng ngại viết những đoạn văn ngắn, thậm chí chỉ hai câu. Sử dụng các câu đơn giản được liên kết với nhau để bài viết của bạn được mạch lạc.
Cornelius Lanczos (1893-1974), nhà Toán học và Vật lý học người Mỹ gốc Hungary, đã viết trong quyển sách nổi tiếng của ông ”The Variational Principles of Mechanics”(Những nguyên lý biến phân trong cơ học) những lời sau (chú thích của mình):
Nhiều sách khoa học ngày nay được viết bằng một ngôn ngữ nửa huyền thoại, như thể để gây ấn tượng với người đọc bằng cảm giác khó chịu rằng anh ta đang ở trong sự hiện diện thường trực của một siêu nhân [ám chỉ tác giả]. Cuốn sách hiện tại [sách của Lanczos] được hình thành trên tinh thần khiêm tốn và được viết cho những người khiêm tốn.
Làm sao để viết được như trên? Rất dễ: bắt chước người khác. Theo mình thì các bạn nên xem quyển “Các bài giảng Vật Lý của Feymann”, tập một2, chọn vài chương mà bạn quen thuộc về nội dung. Sau đó xem Feymann trình bày chúng như thế nào. Ông dùng câu ra sao? Ông lý luận như thế nào? Rồi học theo! Hoặc bạn có thể đọc cuốn ”Nonlinear dynamics and Chaos”của nhà Toán học người Mỹ Steven Strogatz (sinh năm 1959) (Strogatz, 1994). Ông này viết rất hay dù là một nhà Toán học.
”Tự truyện của Benjamin Franklin”là một quyển sách nổi tiếng. Vậy Franklin sinh ra bẩm sinh là người viết hay? Không phải vậy. Đây là cách ông học làm thế nào viết hay (ghi chú của mình):
“Tôi lấy một số bài báo, và viết những gợi ý ngắn gọn về ý chính trong mỗi câu, đặt chúng trong vài ngày [để quên đi bài gốc], và sau đó, không cần nhìn vào cuốn sách, cố gắng hoàn thành bài viết một lần nữa, bằng cách triển khai các ý chính này đầy đủ như nó đã được diễn đạt trước đây, bằng bất kỳ từ ngữ phù hợp nào. Sau đó, tôi so sánh bản viết của mình với bản gốc, phát hiện ra một số lỗi của mình và sửa chúng.”
Nay xin quay lại chủ đề tác giả nổ hay Thầy/Cô nổ. Hồi xưa mình đi học môn A. Giảng viên hỏi “rứa mấy chú có biết lý thuyết nhóm hay topology không?”. Dĩ nhiên là không ai biết! Rồi giảng viên cười nhếch mép mà giờ mình vẫn còn nhớ. Mình không biết lý do tại sao người này làm vậy, nhưng mà mình học môn này không được, và tới giờ vẫn không dám đụng vào nó. Vì sao? Vì mình không biết lý thuyết nhóm (group theory) và topology thì càng không. Điều đáng buồn là trong suốt cả học kỳ, mình chẳng thấy lý thuyết nhóm hay topology mô cả!
Ngày 25 tháng 9 năm 2022