Thuyết hành vi

Thuyết hành vi – Phần 1

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của cô Bình Minh, trong nhóm Teacher-Share. Xem phần tiếp tại Thuyết Hành Vi (Phần 2)

Xin lưu ý: Không có duy nhất một lý thuyết học tập nào đúng hết và giải thích được mọi tình huống. Thứ chúng ta cần là tìm hiểu xem các lý thuyết trùng khớp và bồi đắp thêm cho nhau như thế nào.

Ngày xưa, mọi người học tiếng Anh như thế nào?

Còn nhớ hồi cấp 2 và cấp 3, mình thích học tiếng Anh lắm. Ngày qua ngày, mình làm rất nhiều bài tập từ vựng ngữ pháp, viết từ một đến cả mấy trang giấy mà không chán. Nhờ vậy mà mình nằm trong top sinh viên được điểm cao khi thi đại học. Nhưng rồi, mình nhận ra mình bị thua thiệt với các bạn nhiều quá. Mình nói mãi chưa xong một câu mà có bạn đã bắn tiếng Anh như gió rồi. Và mình thấy tự ti, quay lại trách cách dạy và học tiếng Anh ngày trước đó của mình. Thậm chí, mình đã nghĩ nếu sau này làm giáo viên, chắc chắn mình sẽ dạy học sinh nghe nói chứ không yêu cầu làm nhiều bài ngữ pháp vậy nữa.

Bây giờ sau khi đã hiểu hơn về lý thuyết học tập, mình nhận ra rằng cách mà ngày trước thầy cô dạy mình có cơ sở bắt nguồn từ một thuyết tên là Behaviorism. Học thuyết này bắt nguồn từ gần 1 thế kỷ trước và vẫn được áp dụng rộng rãi cũng như mang lại những hiệu quả nhất định.

Đúng như cái tên, thuyết này tập trung nghiên cứu về hành vi – những gì quan sát được của con người. Các nhà hành vi học thời đầu như Watson cho rằng nếu ta cung cấp một “kích thích – stimuli” với đối tượng thì người đó hình thành một phản ứng (response) đối với kích thích đó. Nếu kích thích lặp đi lặp lại thì phản ứng sẽ dần chuyển thành thói quen, hành vi của người đó. Chẳng hạn, với khi muốn 1 đứa bé sợ thỏ trắng, Watson đã tạo ra tiếng kêu inh ỏi và lặp đi lặp lại như thế, dần dần em bé có một kết nối rằng thấy thỏ là có tiếng kêu và em bé trở nên sợ thỏ.

Tương tự vậy, ngày xưa chúng mình không nhớ từ nào là thầy cô cho chép lại từ đó, sai câu ngữ pháp nào là làm lại phần ngữ pháp đó. Đây cũng chính là một hình thức reinforcement..

Tuy nhiên về sau, Thorndike nhận ra rằng việc lặp đi lặp lại đơn thuần một kích không có tác dụng giúp người học nắm được nội dung hay kỹ năng cần nắm. Bù lại, giáo viên cần giúp người học trải nghiệm cùng một nội dung / kỹ năng trong nhiều tình huống có mức độ khác nhau vừa phải để người học dần hiểu và biết cách áp dụng chúng. Ví dụ: Nếu chỉ lặp đi lặp lại việc chép từ mới thì không có nhiều tác dụng cho người học, nhưng nếu lần 1 người học chép từ và nghĩa, lần hai đưa nó vào cụm từ, lần ba đưa vào thành câu thì thông qua nhiều ngữ cảnh khác nhau người học sẽ nắm được nội dung đó tốt hơn.

Skinner chỉ thêm rằng những hành vi, thói quen của con người không đơn giản hình thành thông qua việc lặp đi lặp lại các tác động bên ngoài. Quan trọng hơn, con người sẽ nhìn vào hệ quả để lựa chọn hành vi, phản ứng của mình. Vì vậy, việc lựa chọn reinforcement hay punishment như thế nào để tạo được hành vi mong muốn đóng vai trò rất quan trọng.

Chẳng hạn, ông thấy rằng việc chép lại từ vựng sẽ không có kết quả nếu người học không nhìn thấy kết quả (consequence) của việc đó (được điểm cao hoặc bị phạt ghi sổ đầu bài).

Chính vì vậy ông cũng đưa ra hình thức khen thưởng – trách phạt mà hiện nay vẫn được áp dụng rộng rãi.

Khi muốn đối tượng hình thành một phản xạ như mong muốn, ta có 2 cách: hoặc là cung cấp thêm một thứ gì đó (positive reinforcement) hoặc là lấy đi một thứ gì đó (negative reinforcement). Ví dụ đơn giản như khi giáo viên muốn học sinh duy trì việc phát biểu trong lớp, giáo viên có thể khen học sinh trước lớp hay thưởng sticker (positive reinforcement), hoặc giảm bớt bài học cho học sinh hăng hái giơ tay (negative reinforcement).

Tương tự, giáo viên có thể loại bỏ hành vi không tốt ở học sinh thông qua punishment. Khi học sinh nói chuyện riêng trong lớp, giáo viên có thể yêu cầu học sinh viết bản kiểm điểm (positive punishment – add something) hoặc trừ điểm (negative punishment – take away something). Chỉ có điều, riêng hình phạt và khen thưởng thì không giúp đối tượng hiểu nguyên do vì sao mình cần làm vậy, nên khuyến khích giáo viên có thêm 1 bước là tìm cách giải thích phù hợp với từng đối tượng. Tương tự, trong quá trình học, hình phạt / khen thưởng hầu như không tác động mấy đến sự học mà chủ yếu tác động đến performance (khả năng thể hiện nội dung vừa học) của học sinh. Phần này sẽ được giải thích rõ hơn ở 1 bài khác.

(Tất nhiên đây chỉ là ví dụ chứ không phải chúng mình khuyến khích những hình phạt như vậy.)

Còn một nhân vật quan trọng nữa được coi là cầu nối giữa Behaviorism với học thuyết về sau, đó là Albert Bandura. Sau khi quan sát, ông nhận thấy rằng người học không chỉ chịu tác động từ bên ngoài mà còn có sự quan sát môi trường xung quanh và có giai đoạn xử lý thông tin để cố gắng làm giống với những gì mình quan sát. Vì vậy ông đề cao việc làm mẫu (explicit instruction) trong khi giảng dạy.

Vậy, ngoài việc ứng dụng trong điều chỉnh hành vi của người học, giáo viên có thể ap dụng Thuyết Hành vi vào giảng dạy ra sao?

Mô hình I do We do You do là mô hình được xây dựng dựa trên quan sát này của Bandura để giáo viên giảng dạy các kỹ năng và hành vi mới một cách dễ dàng và hiệu quả hơn, đặc biệt là với young learners.

Cụ thể, với các nhiệm vụ cần thực hiện

  • Giáo viên sẽ là người làm mẫu trước đồng thời giải thích quá trình thực hiện. Học sinh nghe / quan sát và có thể ghi chú lại. (I do)
  • Giáo viên và học sinh cùng thực hiện với nhau cho tới khi học sinh cảm thấy tự tin với kiến thức đó (We do).
  • Khi học sinh đã thành thục thì có thể tự mình thực hiện. Giáo viên quan sát và đảm bảo học sinh đang đi đúng hướng. (You do)

Ví dụ gần gũi nhất là áp dụng vào dạy phát âm. Giáo viên làm mẫu âm đó nhiều lần để học sinh nghe và cảm nhận âm. Hoặc giáo viên cũng có thể chọn 1 nguồn khác như phim, video để làm mẫu cho học sinh. Giáo viên cũng có thể giải thích cách thức phát ra âm đó (như vị trí lưỡi ở đâu, có bật hơi không…). Sau đó giáo viên và học sinh cùng thực hiện nhiều lần cho tới khi học sinh nắm tương đối chắc thì lúc này học sinh có thể tự phát âm âm đó. Giáo viên sẽ là người nghe và kiểm tra rồi điều chỉnh nếu cần thiết. Ở đây, phản xạ của giáo viên khi nghe học sinh phát âm (cũng có thể hiểu là feedback) có thể gồm việc nhắc lại âm đó đúng để học sinh bắt chước, hoặc nói âm đúng và sai để người học phân biệt và tránh những lỗi sai. Thông qua việc lặp lại các phản hồi, học sinh dần hình thành được khả năng phát âm đúng hơn.

Tựu chung lại, Thuyết hành vi thực ra không xấu như mình nghĩ, và nếu biết cách áp dụng thì nó cùng các phương pháp khác thì vẫn mang lại hiệu quả như mong đợi mà tránh được việc lặp lại thô cứng cũng như áp lực lên người học.

Các thầy cô áp dụng Thuyết Hành vi như thế nào trong lớp mình ạ?

Bibliography:

Lightbown, P. M., Spada, N., Ranta, L., & Rand, J. (1999). How languages are learned (Vol. 2). Oxford: Oxford university press.

Ormrod, J. E., Anderman, E. M., & Anderman, L. H. (2017). Educational psychology: Developing learners, loose-leaf version. Pearson.

Schunk, D. H. (2012). Learning theories: An educational perspective. Pearson Education, Inc.

Trung, G. T. (2023). Sư phạm khai phóng. NXB Tri Thức

p/s: Mở đầu chuỗi learning theory bằng 1 bài tương đối dài. Bài sau sẽ ngắn thui ạ. Chúc các thầy cô đọc vui và cuối tuần vui vẻ ❤

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

5 + 1 =