Sản phẩm hữu ích
Chúng tôi xin chia sẻ quan điểm của cô Phuong Cao, PhD in Applied Linguisctics.
Trẻ em nên học ngoại ngữ như thế nào?
Trẻ em có một khả năng học ngôn ngữ kỳ diệu, mà người lớn không thể so sánh được. Ở độ tuổi này, trẻ học nhanh hơn là bởi vì các em tò mò về thế giới và mọi thứ xung quanh. Chúng tiếp thu kiến thức và học các kỹ năng mới nhanh hơn. Do vậy, việc học một ngôn ngữ thứ hai thường đến với trẻ một cách dễ dàng.
Trẻ em học các từ và cụm từ mới bằng cách sử dụng chúng trong ngữ cảnh, gọi là “formulaic languages” chứ không phải qua việc dạy từ vựng ngữ pháp một cách khô cứng. Ví dụ chúng biết dùng “I wanna play” thay vì “I want to play”, là bởi vì chúng xem các nhân vậy hoạt hình nói thế.
Có nên dạy Tiếng Anh cho con từ lúc lọt lòng hay không?
Môi trường mà Tiếng Anh không được sử dụng trong mọi khía cạnh của cuộc sống như Việt Nam chúng ta, thì có nên cho con học tiếng Anh từ khi mới lọt lòng hay không?
Mình có xem một vài clips của một gia đình ở Hà Nội. Anh chồng có chia sẻ rằng, lúc đầu, hai vợ chồng anh chỉ nói tiếng Anh với con từ khi em bé này mới lọt lòng mẹ. Sau đó vợ anh cảm thấy mất kết nối với em bé, vì mặc dù cô vợ khá giỏi Tiếng Anh (cô là M.C truyền hình), nhưng cô cảm thấy, ngôn ngữ thứ hai của cô không thể truyền tải hết được tình yêu thương của cô với con. Tình yêu ấy, chỉ truyền tải đầy đủ khi cô dùng tiếng mẹ đẻ. Đôi khi cô vợ cảm thấy, việc giao tiếp 100% với con bằng Tiếng Anh đã tước đoạt vai trò làm mẹ của cô. Đó là một ví dụ điển hình về sự khó khăn khi dạy con bằng ngôn ngữ mà cha mẹ không thuần thục.
Một bài báo trên báo tuổi trẻ, nói rằng, nên dạy trẻ em ngoại ngữ càng sớm càng tốt, ngay khi trẻ bập bẹ Tiếng Việt. Mình nghi hoặc về tính khoa học của bài báo ấy.
Cần nhấn mạnh rằng trẻ em Việt Nam lớn lên ở Việt Nam không có điều kiện sủa dụng Tiếng Anh trong mọi mặt đời sống xã hội giống như trẻ em lớn lên trong môi trường song ngữ, hay đa ngữ, như Singapore, New Zealand hay Canada.
Chính vì vậy, sẽ rất khó để đảm bảo rằng những lợi ích của việc học hai ngôn ngữ ngay từ khi lọt lòng có thể mang lại nhiều lợi ích cho trẻ Việt Nam, sống ở Việt Nam. Còn chưa kể đến việc, khả năng nhận thức của trẻ em được phát triển tốt nhất thông qua ngôn ngữ mà bé thành thạo nhất.
Thế cho nên, không thể áp dụng chương trình song ngữ mẫu giáo của Singapore hay Canada cho đối tượng trẻ Việt Nam, khi các em không có môi trường để sử dụng ngôn ngữ ấy một cách tốt nhất.
Câu trả lời là không nên.
Khi nào bắt đầu nên dạy tiếng Anh cho trẻ?
Các chuyên gia ngôn ngữ học ứng dụng chỉ ra rằng, thời điểm tốt nhất để bắt đầu học ngoại ngữ cho trẻ là trong thời thơ ấu, từ 3-4 đến 7 tuổi, khi mà các em đã có nền tảng của ngôn ngữ trụ, là ngôn ngữ mẹ đẻ. Giai đoạn này, chức năng ngôn ngữ được khu biệt về bán cầu não trái của trẻ (khoảng tầm 6-7 tuổi).
Học ngoại ngữ tại thời điểm này giúp trẻ em nắm bắt hệ thống ngữ âm dễ dàng hơn nhiều so với người lớn. Người lớn khi học ngôn ngữ thứ hai thường bị ảnh hưởng bởi tiếng mẹ đẻ trong cách phát âm và ngữ điệu (accent). Ngược lại, trẻ em thường ít gặp phải vấn đề này.
Dạy Tiếng Anh cho trẻ em thì dạy cái gì?
Học ngôn ngữ thứ hai (Tiếng Anh) phải vui vẻ, không gượng ép. Trẻ em học tốt nhất khi chúng không nhận ra mình đang học! Chìa khóa để học ngôn ngữ hiệu quả đối với trẻ em là thông qua vui chơi và “đắm chìm” hoàn toàn trong trò chơi ngôn ngữ.
Dạy Tiếng Anh cho trẻ có thể được tích hợp vào nhiều hoạt động khác nhau, nên gắn liền với những trải nghiệm thú vị đời thường của trẻ.
Khoá dạy Tiếng Anh cho trẻ em TEYL (Teaching English to Young Leaners) trong chương trình M.A TESOL mà mình đã được học, hay khoá mình đang thiết kế và giảng dạy cho chuơng trình cử nhân TA ngành tiểu học, cũng có đề cập đến một số yếu tố khiến trẻ em có thể học tốt ngôn ngữ thứ hai:
- Trẻ phải được học Tiếng Anh trong bối cảnh và là một phần của sự kiện thực tế
- Bài học phải thú vị và hấp dẫn, khiến trẻ có cảm giác thuộc về, dựa trên những điều trẻ biết nhưng cũng thử thách trẻ
- Hoạt động chủ yếu dựa trên trải nghiệm của trẻ.
Chính vì vậy, trẻ em chỉ học Tiếng Anh tốt nhất, khi chúng được học qua trò chơi, bài hát, đóng kịch, hay âm nhạc, chứ không phải là những “công thức” ngữ pháp khô cứng, mà bộ não của trẻ chưa đủ để sẵn sàng “developmental ready”.
Và đặc biệt, muốn dạy Tiếng Anh cho trẻ em, giáo viên cần phải được đào tạo chuyên biệt TEYL, chứ không phải ai đó có tấm chứng chỉ IELTS là có thể làm mưa làm gió.